UBND huyện, thị, thành phố

Căn cứ theo quyết định số 17/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk, ngày 20 tháng 5 năm 2020 về việc " QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK". Phân công trách nhiệm như sau:

Phân công trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên phạm vi địa phương, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn;

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm cấp huyện; Tổ chức, điều hành Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm cấp huyện; Tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

3. Tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương;

4. Bố trí kinh phí cho công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của địa phương. Tăng cường năng lực, điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương.

5. Đối với lĩnh vực Y tế:

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý an toàn thực phẩm đối với:

- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh dưới 200 suất ăn/lần phục vụ;

- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có địa điểm cố định (bao gồm cả bếp ăn tập thể, căng tin trường học, nhà máy…) không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh dưới 200 suất ăn/lần phục vụ, trừ các cơ sở quy định tại Khoản 3 Điều 3 Quyết định này;

- Các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động;

- Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 9 Quyết định này theo quy định của pháp luật.

6. Đối với lĩnh vực Công Thương:

Quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm: rượu, bia, nước giải khát; sữa chế biến; dầu thực vật; sản phẩm chế biến từ bột, tinh bột; bánh, mứt, kẹo; dụng cụ, vật liệu bao gói chuyên dụng gắn liền và chỉ sử dụng cho các sản phẩm thực phẩm trên; cơ sở kinh doanh thực phẩm tổng hợp thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành Công Thương trên địa bàn, bao gồm:

a) Cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ được cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định (trừ các cơ sở sản xuất thực phẩm, hợp tác xã thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên).

b) Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ bao gồm cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm trong các chợ (trừ chợ đầu mối và chợ đấu giá nông sản) được cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định (trừ các cơ sở kinh doanh thực phẩm, hợp tác xã thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên).

c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không thuộc đối tượng đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

d) Cơ sở kinh doanh ăn uống trong chợ (trừ chợ đầu mối và chợ đấu giá nông sản).

7. Đối với lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh.